Tư duy Nhân Quả là một nỗ lực để hiểu tại sao điều này xảy ra khi điều kia xảy ra. Trong nhiều lĩnh vực như khoa học, y tế, kinh doanh, giáo dục… người ta cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân và kết quả của các hành động, hiện tượng. Bởi lẽ, nếu chúng ta hiểu biết nguyên nhân của một điều tiêu cực như chiến tranh, bệnh tật… có lẽ chúng ta có thể tránh hoặc giảm thiểu được chúng trong tương lai. Nếu chúng ta hiểu hậu quả của hành vi nào đó là không tốt, có lẽ chúng ta có thể điều chỉnh hành vi của chính mình theo cách tốt hơn vì cuộc sống hạnh phúc hơn.
Vì thế, ba mẹ cần giúp con quan sát và tư duy nhân quả trong cuộc sống thường ngày. Và điều này sẽ giúp cho con có những suy nghĩ sâu sắc, khả năng phân tích và đúc kết trong học tập, cũng như các hiện tượng của tự nhiên, con người và xã hội.
Xem thêm bài viết: Tạo sao trẻ em cần học nhân quả?
Việc giúp con có khả năng tư duy nhân quả cần một tiến trình tự nhiên
1. Đầu tiên, ba mẹ cần có ví dụ về nhân quả như “Nếu… thì…” để giải thích cho trẻ hiểu thế nào là Nhân – Quả. Mục đích là để cho trẻ hiểu một hành động nào đó sẽ dẫn đến kết quả và qua những ví dụ trẻ sẽ dần hiểu:
- Nhân là nguyên nhân hoặc lý do, tại sao điều đó lại xảy ra.
- Quả là kết quả, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta làm việc đó.
2. Đặt câu hỏi: Tại sao, chuyện gì xảy ra nếu…
- Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu con lãng phí thức ăn này?
- Điều gì sẽ xảy ra khi con để kem ngoài nắng?
- Cây xanh cần ánh sáng và nước, tương tự con người cần ăn uống để có sức khoẻ. Vậy thì con nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu con không ăn uống?
Hoặc một cách khác là câu hỏi “Nếu…, chuyện gì sẽ xảy ra?”, chẳng hạn như:
- Nếu con chạy liên tục, chuyện gì sẽ xảy ra?
- Nếu con không tắm gội hoặc đánh răng, chuyện gì sẽ xảy ra?
3. Thêm vào điều kiện (mức độ phức tạp)
Sau mỗi câu hỏi và trả lời nhân quả ở mức độ cơ bản, ba mẹ có thể giải thích thêm về việc một hoặc nhiều kết quả đều bắt nguồn từ một nguyên nhân khi các điều kiện là khác nhau, ví dụ như:
- Đọc (nhân) + Sách truyện vô bổ (Điều kiện) thì Quả sẽ không tăng hiểu biết đúng đắn và không ươm mầm những hạt giống nhân cách…
- Đọc (nhân) + Sách truyện vĩ nhân (Điều kiện) thì Quả sẽ tăng thêm hiểu biết đúng đắn, hình thành nhân cách…
(Nhân: ý muốn, hành động… Duyên: điều kiện, đối tượng, ngoại cảnh…)
4. Kể chuyện/ vẽ tranh nhân quả
Giúp trẻ xác định mối quan hệ nguyên nhân và kết quả trong một câu chuyện hoặc hoạt động vẽ tranh nhân quả, nhằm tạo cơ hội để trẻ tìm kiếm nguyên nhân và kết quả, quan sát các hành động và suy nghĩ của nhân vật, phân tích các hành động và điều kiện khác nhau có thể có dẫn đến kết quả khác nhau như thế nào.
5. Bài học nhân quả của bản thân
Khi trẻ đang nhận lấy một kết quả mà bản thân chưa ý thức được những gì đã làm đúng/ sai trước đó, ba mẹ có thể phân tích ngược lại từ kết quả này để trẻ hiểu sâu sắc những nguyên nhân dẫn đến kết quả đó nhé!
Với thói quen tư duy nhân quả
Trẻ sẽ phần nào nhận ra kết quả là điều tất yếu xảy ra theo quy luật của tự nhiên, chứ không phải là hình phạt. Từ đó, trẻ sẽ dần chấp nhận những điều bất như ý trong cuộc sống. Hơn thế nữa, khi trẻ đã có thể tư duy nhân quả thì ba mẹ có thể nói về Nhân – Quả như là cách giúp con định hướng hành động tốt hơn để hạnh phúc hơn.
Cuối cùng thì điều chúng ta mong muốn nhất đối với thế hệ trẻ là trưởng thành, trở thành người tốt, có trách nhiệm với hành động của mình, không đổ lỗi, cũng như học cách làm nhiều điều tử tế hơn trong cuộc sống.
Và đó là lý do tại sao tư duy Nhân – Quả là một bài học quan trọng cần được rèn từ khi trẻ còn nhỏ.
Với mong muốn góp phần Kiến tạo Hạnh phúc, hệ thống trường Tuệ Đức đã và đang rèn cho học sinh tư duy Nhân – Quả thông qua từng tiết học như kể chuyện, vẽ tranh… Mời ba mẹ cùng xem tranh nhân quả do các học sinh vẽ bên dưới nhé!