Tâm lý trẻ khi bước vào 3 tuổi được xem giống như “tuổi trưởng thành” giai đoạn đầu đời. Ở tuổi này, trẻ có những biểu hiện về tâm lý rất cần bố mẹ thấu hiểu. Giai đoạn này được các chuyên gia tâm lý nhận xét rằng là bước ngoặc rất quan trọng để định hình tính cách trẻ. Sau đây là một số đặc tính về tâm lý về trẻ:
1. NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA TUỔI LÊN 3
Từ nhu cầu muốn khẳng định mình, muốn được trở nên như người lớn bên cạnh đó sự tự ý thức ở trẻ bắt đầu xuất hiện, trẻ lên 3 bắt đầu có những nguyện vọng độc lập. Trẻ muốn tự mình làm trong một số trường hợp: tự thay quần áo, tự xúc ăn, tự chọn mặc quần áo mà trẻ thích, muốn phụ giúp mẹ việc nhà, tự chọn đồ chơi, tự chọn sách mà trẻ thích… Trẻ thường nói “Con làm, con ăn…” mà không muốn có sự can thiệp hay giúp đỡ của người lớn.
Những phản ứng kệ con, tự con… chứng tỏ trẻ muốn tách khỏi người lớn khẳng định cái tôi của mình, mặt khác trẻ muốn có quan hệ sâu rộng hơn với người lớn. Hoạt động của người lớn vẫn là mối quan hệ thích thú đối với chúng. Người lớn như là hình mẫu của các chức năng tâm lý xã hội. Trẻ cũng tự thấy mình là thành viên của xã hội.
Trong cuốn “Về nhân cách trẻ 3 tuổi”, nhà tâm lý học V. Keler đã mô tả những biểu hiện thường gặp ở trẻ trong lứa tuổi này:
Tiêu cực: Trẻ thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn.
Ngoan cố: Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.
Ngang ngạnh: Gần như sự ngoan cố và tiêu cực, nhưng nó có đặc điểm đặc trưng của ngang ngạnh là có tính công khai và thiếu cá tính hơn. Đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình.
Tự tiện: Là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó. Phần nào ta thấy dấu hiệu này có cả ở đợt khủng hoảng một tuổi.
Vô lễ với người lớn: Trẻ có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn.
Chống đối – nổi loạn: Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc cãi vã thường xuyên với cha mẹ “tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn”.
Chuyên quyền: ở những gia đình có độc nhất một trẻ sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền. Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lí thì đây là một hiện tượng bình thường, tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ. Do đó, khi thấy con có những hành vi thái quá chớ nên quy chụp cho bé là hư, láo, càng không nên quát mắng, nhất là đánh trẻ. Bởi điều đó chỉ làm các bé thêm căng thẳng, có thể sợ lúc đó mà im lặng nhưng sẽ chất chứa uẩn ức trong lòng và có lúc bột phát, trở nên hung dữ hơn. Chiều chuộng theo mọi yêu cầu của con cũng không phải cách. Nó chỉ giúp củng cố thêm những hành vi tiêu cực ở bé khi nó nhận thấy khóc lóc, ăn vạ hay đập phá là cơ hội để được bố mẹ đáp ứng mọi đòi hỏi.
2. TÂM SỰ CỦA PHỤ HUYNH CÓ CON LÊN 3
Một phụ huynh tâm sự: “Con trai 31 tháng tuổi của tôi ở nhà rất hư, hay “ăn vạ”. Ở trường cháu ngoan nhưng về nhà thì rất hư, hay đòi cái này cái kia, đưa cho lại đòi cái khác, không được thì ăn vạ. Không những thế, cháu thật sự muốn cái gì lại không nói ngay, thậm chí đêm dậy chỉ để đi tiểu nhưng cũng phải khóc lóc mãi mới nói nhu cầu chính. Tình trạng “ăn vạ” diễn ra hầu như hằng ngày. Cháu hầu như không bao giờ nghe lời, chỉ thỉnh thoảng dùng phương pháp động viên, khen ngợi mới có kết quả”.
Đang hối hả chuẩn bị đi làm, chị My (Q.5, TP.HCM) lại nghe thấy tiếng quát tháo ầm ĩ từ nhà hàng xóm và tiếng trẻ khóc thét: “Mặc cái quần màu hồng này vào. Sao lại không chịu mặc thế này? Đi lại dép nào, đi trái rồi mà cũng không biết. Khổ thân tôi ghê. Con với chả cái. Hôm nào cũng lề mề…”. Quay lại thấy chồng mình cười ý nhị, chị hiểu ngay điệp khúc hằng sáng của nhà hàng xóm đã bắt đầu bật, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Hơn ai hết, chị đã từng trải qua thời kỳ này nên rất thấm thía cho nỗi khổ của cô hàng xóm với đứa con đầu hơn 2 tuổi. Cũng may cu Nhím nhà chị nay đã lên 7, hiểu biết mọi chuyện và đỡ nghịch dại.
Nhớ lại thời kỳ Nhím chuẩn bị lên 3, chị tưởng nhiều lúc phát điên lên được bởi con đột nhiên thay tính đổi nết. Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, bố mẹ cho ăn gì, mặc gì, chơi trò chơi nào… đều răm rắp nghe theo, bỗng đột ngột trở tính, ngang ngạch, ương bướng, thậm chí toàn làm điều trái ngược với điều bố mẹ nói. Hết hồn nhất là đoạn cậu lăm lăm cây bút chì ra sức định nhét vào ổ điện chỉ vì trước đó bố vừa dặn: “Con nhớ đừng đút gì vào lỗ này”. Mỗi buổi sáng chuẩn bị đưa con đi học thời đó đối với chị như một cực hình. Chuẩn bị sẵn quần áo, con nhất định không chịu mặc, đòi tự chọn đồ bằng được. Thời gian đã gấp gáp, đường phố sắp đông đúc bởi giờ đi làm, con vẫn lề mề đòi tự xỏ quần, tự mặc áo. Đụng vào nó một tí định giúp mặc cho nhanh thì cu cậu lại lập tức lăn đùng ra ăn vạ hoặc khóc lóc… Tối xong hết cơm nước, việc nhà, nhìn đống đồ chơi con rải khắp phòng khách mà lòng chị không khỏi chán chường, dọn hộ con được góc này, con lại phản ứng bằng cách bày ra góc khác… Đó là chưa kể vô số đồ đạc trong nhà như điều khiển ti vi, quạt… đồng loạt bị hỏng hóc do được Nhím “chiếu cố” tới. Chị My nhiều lúc kiệt sức khi nghĩ tới việc sinh đứa thứ hai, cho đến khi chị được nghe tư vấn về việc cùng con vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3.
Đầu năm 2013, thấy bé Vy đã lớn (34 tháng tuổi) nên vợ chồng Nhung – Kha (Q.10, TP.HCM) định sinh thêm đứa nữa. Chưa kịp “ra tay” thì bỗng dưng bé Vy khó bảo. Bé nhất định không cho mẹ giúp cầm ly uống nước, tắm táp, xếp quần áo… cho bé nữa. Chuẩn bị đi ăn cưới, mẹ chọn đồ nào bé cũng không chịu, cuối cùng bé tự chọn lấy… bộ đồ đầu tiên mẹ chọn. “Ứa gan không chịu nổi!” – chị Nhung hậm hực.
Cũng vậy, bé Bún (31 tháng tuổi, Q.2, TP.HCM) giờ không chịu cho ba đẩy trên xe trong siêu thị. Chị Cún có thói quen hôn em khi đi học về, nhưng từ tuần trước Bún không cho chị hôn. Bún đói, mẹ pha sữa đưa cho thì đẩy ra, mẹ đặt bình sữa lên bàn thì cô bé cũng không chịu.
Đối với bé ở lứa tuổi tiền học đường (từ 3 đến 4 tuổi) bé thường cãi lại kiểu “không!” và “tại sao lại phải làm như vậy?”.
3. NGUYÊN NHÂN TRẺ KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3
“Sự mâu thuẫn giữa nhu cầu và năng lực là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tuổi lên 3 của trẻ”.
Trẻ lên 3 bắt đầu sự ý thức được các khả năng của mình: Sự phát triển các cơ tay, sự khéo léo của các cơ ngón tay, sự phát cảm ngôn ngữ cùng với khả năng diễn đạt mong muốn thông thường của mình với người khác, tri thức về thế giới xung quanh của trẻ đang được tích lũy dần, một số kỹ năng vận động, khả năng tự phục vụ mình … .
Trẻ hay so sánh mình với người lớn, muốn được làm mọi việc như người lớn. Tuy nhiên, với khả năng của mình, các bé chưa thể tự làm được mọi việc hoặc bị bố mẹ ngăn cấm nên nảy sinh xung đột.
Bên cạnh đó, ở tuổi này, do khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các bé chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người lớn. Và chính điều này gây ức chế, làm các bé dễ cáu bẳn và nổi khùng.
4. CHIỀU CHUỘNG HAY ĐÀN ÁP?
Khi bé “quậy”, nhiều cha mẹ chọn cách giải quyết nhanh theo một trong hai hướng: hoặc chiều chuộng hoặc đàn áp. Theo ông Cao, chiều chuộng “yêu sách” chỉ khiến cho bé càng lấn tới. Còn đàn áp? Ông Cao biết cách này rất phản giáo dục. Ông phân tích thêm: “Những lúc cha mẹ khủng hoảng tâm lý thì có muốn bị trừng phạt? Dùng bạo lực đàn áp có thể khiến trẻ khủng hoảng hơn do bị ức chế, sau này trở thành người lớn nhu nhược, hoặc sùng bái bạo lực vì coi đó là giải pháp cho mọi vấn đề”.
Bé thường nói “không”, nhưng không phải chống đối mà chỉ là chứng tỏ “mình khác biệt”. Chưa hết, bé còn muốn làm ngược lại, cho nên việc cha mẹ ra lệnh, ép buộc bé có thể gây nguy hiểm cho bé, chẳng hạn khi cha mẹ cấm trẻ tra tay vào nước sôi hay ổ điện. Ông Cao chia sẻ cha mẹ cần nương theo nhu cầu độc lập của bé để tác động giúp bé bước đầu tự lập. Cụ thể là cho bé tự làm những việc trong khả năng, hướng dẫn bé làm những việc cần sự trợ giúp mới làm được, và thử thách bé bằng những việc hơi quá khả năng để bé chinh phục. Ngoài ra, cha mẹ có thể bày trò cho bé sắm vai anh, chị, ông, bà… để bé được thoải mái thể hiện “cái tôi” đang hình thành.
Còn theo ông Khanh, mức độ và cách biểu hiện “khủng hoảng” của bé còn là kết quả/hậu quả của quá trình nuôi dạy trước đây của cha mẹ, nhưng đây cũng là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh và “bày keo khác”. Nếu cha mẹ tác động phù hợp trong giai đoạn “khủng hoảng” đặc biệt này, bé sẽ tự tin vào bản thân và biết quý trọng các giá trị bản thân, hai yếu tố cần thiết làm nền tảng cho sự phát triển nhân cách sau này. Ngược lại, nếu cha mẹ đàn áp hoặc quá chiều chuộng thì khi trẻ lớn hơn sẽ mất tự tin hoặc ích kỷ, chỉ quen đòi hỏi, coi mình như “cái rốn vũ trụ”.
5. GIẢI PHÁP TỪ NGUYÊN NHÂN CỐT LÕI
Sau khi được nghe tư vấn và đọc thêm sách vở, chị My mới té ngửa ra rằng, những biểu hiện của con mà vợ chồng chị đánh giá rằng “ngỗ ngược, khó bảo” lại chính là một trong số biểu hiện của khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3. Nó chứng tỏ một sự phát triển bình thường và khỏe mạnh về tâm lý ở trẻ.
Theo thạc sĩ Chung Vĩnh Cao, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH TP.HCM tại Hội thảo Cùng bé vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 (do Trường Quốc tế Việt Úc tổ chức) thì, khi bé nghịch ngợm, phá phách đồ vật nên được nhìn nhận ở hiện tượng trẻ tìm tòi, khám phá, phát triển trí tuệ. Việc cha mẹ cấm cho con nghịch chẳng khác nào ngăn cản con không được phát triển trí não. Việc đánh đập con để bắt con theo ý mình, ngăn chặn mọi sự nghịch ngợm của con là một biện pháp giải quyết tiêu cực và chỉ có hiệu quả nhất thời.
Trái ngược với sự chống đối, gàn bướng như Nhím con chị, một biểu hiện khác thường bắt gặp là trẻ trở nên lầm lì quá đỗi, không chịu nói năng, chia sẻ với bất kỳ ai. Sự khép lòng này nếu không được bố mẹ chú ý và giúp con vượt qua tức thì, lâu dài sẽ dẫn tới chứng tự kỷ. Còn với trẻ có biểu hiện gàn bướng, chống đối quá mức, nếu không xử lý khéo sẽ dẫn tới chứng bệnh tăng động thiếu chú ý.
Cụ thể ở trường hợp con chị My, việc bị khủng hoảng như vậy có thể đến từ hai nguyên nhân: Gián tiếp: con đã hình thành thế giới nội tâm, có suy nghĩ riêng, tình cảm riêng; có ý thức và nguyện vọng độc lập; Trực tiếp: mâu thuẫn giữa nhu cầu độc lập với khả năng còn hạn chế của con, và mâu thuẫn giữa nhu cầu độc lập của con với sự ngăn cản của người lớn. Và khi hiểu rõ được cốt lõi nguyên nhân của con mình, chị My đã tìm ra được biện pháp giải quyết phù hợp, nhẹ nhàng trò chuyện với Nhím nhiều hơn, quan tâm động viên con một cách khéo léo nhưng vẫn khích lệ con tự làm và tự cảm nhận được mình đang lớn.
Khủng hoảng tuổi lên 3′ với nguyên nhân của sự bướng bỉnh là các bé muốn được khẳng định bản thân và tự quyết định mọi điều.
Sarah Fernandez, tác giả của nhiều bài báo viết về trẻ em trên Parentables đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc tìm ra nguyên nhân khiến đứa con 3 tuổi của chị có những hành vi khiến bố mẹ bực bội.
Bất cứ điều gì cần phải làm, cháu có thể tự làm điều đó một mình, từ mặc quần áo đến gắp món ăn cho mình, hay xếp ghế trèo lên lấy chiếc muỗng trên giá bát…
Trong khi đó tôi muốn con tự tin, đồng thời cũng hiểu rằng vẫn có những giới hạn nhất định dành cho bé. Tôi cũng biết rằng những gì thể hiện sự tự tin ở bé thực chất là tính bướng bỉnh.
Gần đây, hai mẹ con tôi gần như đối đầu nhau. Cuối cùng, hai mẹ con tôi đã xảy ra chiến tranh, bé liên tục la hét: ‘Đừng nói với con phải làm gì nữa’ và ‘Mẹ không phải là bà chủ’.
Tôi nói với con rằng bé làm tất cả những việc đó vì trách nhiệm của bé với gia đình. Tôi thường xuyên nhắc đi nhắc lại đây là trách nhiệm của con.
Bé là một phần trong gia đình của mình nên phải có nhiệm vụ giữ nhà sạch sẽ, gọn gàng, phải đóng cửa khi ra hoặc vào nhà, phải treo áo khoác của mình lên, phải chải đầu tóc gọn gàng…
Kể từ cuộc nói chuyện đó, tôi cũng hiểu rằng bé không cố tình chống đối tôi khi không chịu thu dọn đồ chơi của mình, chẳng qua là cháu không có ý tưởng thu dọn.
Còn bé khi được gắn mình với trách nhiệm, nó dường như dễ dàng làm những công việc được yêu cầu hơn.
Trẻ em hành động và hành động nào cũng có lý do của nó. Nếu hành vi này trở nên định kỳ thì vấn đề sẽ phức tạp hơn là thỉnh thoảng chúng mới hành động như thế.
Tìm ra gốc rễ của các hành vi sẽ giúp bạn dễ dàng giải quyết vấn đề và vui vẻ với con mình hơn, dù bé mới 3 tuổi hay thậm chí đã 21 tuổi’.
6. CHA MẸ PHẢI LÀM GÌ?
Thật ra, “khủng hoảng tuổi lên 3” là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh cách dạy con, giúp bé hình thành nền tảng nhân cách lành mạnh.
Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng: Tính tự lập và tích cực của trẻ đòi hỏi người lớn phải thay đổi hệ thống nhìn nhận và xử sự với trẻ. Nếu tính tự lập của trẻ bị hạn chế thì trẻ sẽ xuất hiện các tính cách như: tính trái ngược (đứa trẻ không làm một việc gì đó chỉ vì điều đó do người lớn yêu cầu mà trẻ không thích đề nghị làm) vì người lớn đã cấm đoán nó quá nhiều.
Lúc trẻ “ăn vạ”, cha mẹ cần nói lại hành vi chưa ngoan của cháu và dạy cháu điều mình mong muốn.
TS Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia tâm lý trường Mầm non Hoàng Gia cho rằng: những biến đổi về tâm lý của trẻ khi bắt đầu vào trường mẫu giáo về khoa học người ta gọi là khủng hoảng tuổi lên 3. Hơn nữa, sự thay đổi môi trường, không được thỏa mãn một số điều ở trường nên khi về nhà cháu sẽ “bùng phát” và đòi được đáp ứng nhưng chính trẻ lại rất mơ hồ về mong muốn của mình. Chính vì thế người lớn đưa cho gì cũng lắc đầu và cách duy nhất mà nhiều trẻ làm đó là khóc ăn vạ…
Trước hiện tượng khủng hoảng tâm lý trên của trẻ, theo TS Kim Thoa, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, đừng bị kích động rồi chính mình lại bực tức và rồi dồn sang con và vòng luẩn quẩn này làm cho cả nhà căng thẳng, không kiểm soát được cảm xúc. Tốt hơn hết, vào những lúc trẻ ăn vạ như vậy, cha mẹ cũng không cần hỏi là con muốn cái này hay cái kia không, bởi cái gì trẻ cũng không đồng ý hoặc để cho bé tự chọn lấy (trong những cái mình đã đề xuất).
Nếu trẻ bị quá khích thì hãy ôm chặt trẻ vào lòng và nói nhỏ lại nhưng cũng không nói với trẻ mà như đang nói chuyện với ai đó (một chú gấu chẳng hạn). Nguyên tắc ở đây là không tập trung vào hành vi của trẻ nữa mà chuyển hướng sang chuyện khác để lôi sự chú ý của trẻ sang câu chuyện của mình… Sau đó vào những lúc trẻ ngoan ngoãn, cha mẹ cần nói lại hành vi chưa ngoan của cháu và dạy cháu điều mình mong muốn.
Còn tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM khẳng định: “Trẻ lên 3 bắt đầu ý thức về cái tôi và có khuynh hướng muốn được hành động theo ý thích của mình. Vì vậy, nếu cháu có ý muốn thỏa đáng thì cha mẹ nên đồng tình và cho trẻ thực hiện, trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi quá quắt, người lớn cần tỏ thái độ kiên quyết không đáp ứng sau khi giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ.
Nếu trẻ vẫn tiếp tục làm nư, người lớn có thể bỏ lơ, không quan tâm tới (trẻ con dễ quên và dễ bị phân tâm bởi những điều mới lạ khác), khi cần xử phạt có thể hạn chế trẻ không được đi chơi bên ngoài với ba mẹ hoặc không được đọc truyện, kể chuyện cho bé nghe thay cho hình thức đánh đòn sẽ phản tác dụng khiến trẻ trở nên ương bướng hơn”. Nói chung áp dụng KLKNM.
7. LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA TÂM LÝ
Thứ nhất: trẻ lên 3 xuất hiện tính “bướng bỉnh”, trẻ muốn có thẫm quyền với mọi vật xung quanh bằng cách luôn luôn giành đồ chơi về phía mình…
==> Với những biểu hiện trên của trẻ, không nên quát mắng trẻ, hay giật đồ chơi từ tay trẻ. Bố mẹ cần giải thích cho bé hiểu cái gì là của mình, cái gì là của bạn hay của chung. Tránh thái độ tiêu cự cho rằng bé tham lam, hư đốn, không ngoan.
Thứ hai: suy nghĩ mình là trung tâm và mong muốn độc lập khiến trẻ luôn muốn làm theo ý mình. Tuy nhiên, do vốn kinh nghiệm và hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh còn hạn chế cùng với sự nhận thức về các chuẩn mực trong các mối quan hệ của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ thường làm “sai” so với điều người lớn mong muốn ở trẻ, bắt người lớn làm theo ý mình…
==> Do đó, nếu trẻ có ý muốn thỏa đáng thì cha mẹ nên đồng tình và cho trẻ thực hiện, trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi quá quắt, người lớn cần tỏ thái độ kiên quyết không đáp ứng sau khi giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ. Không nên cứng nhắc ngăn cấm trẻ cũng không nên chiều theo ý trẻ một cách vô điều kiện. Với một số trẻ, việc bị người lớn ngăn cấm sẽ dẫn đến trẻ bướng bỉnh, tỏ thái độ chống đối, người lớn bảo một đằng trẻ làm một nẻo… đặc biệt với người quá quan tâm và chăm sóc chúng… Đôi khi còn bày tỏ thái độ ích kỹ, hỗn láo… đặc biệt với người thân hay chăm sóc trẻ. Do đó, cách người lớn ứng xử với trẻ cũng bày tỏ sự thông hiểu về các đặc điểm tâm lý cũng như sự quan tâm đến trẻ trong đời sống hàng ngày.
Thứ ba: cuối tuổi ấu nhi, trẻ bắt đầu xuất hiện sự tự ý thức, trẻ ý thức được mình là một con người riêng biệt, khác với những người xung quanh và có những ý muốn riêng biệt so với mọi người xung quanh… Trẻ bắt đầu nhận ra “cái tôi” của trẻ, nhận biết được “cái tên” của mình và đồng nhất cái tên với bản thân mình do đó tỏ ra thiện chí với những bạn có tên giống như mình.
==> Để giáo dục trẻ, ba mẹ nên giành thời gian trò chuyện với trẻ để hiếu mong muốn của trẻ, có thể kể chuyện cho trẻ nghe, khi kể chuyện, ba mẹ nên dùng tên bé đặt tên cho nhân vật của truyện, lồng vào đó những đức tính tốt muốn ở trẻ để khuyên bảo trẻ một cách nhẹ nhàng, khéo léo. Sự tự ý thức ở trẻ còn thể hiện thông qua viêc trẻ bắt đầu để ý đến hình dáng bên ngoài của mình. Trẻ muốn tự chọn quần áo cho mình, và đôi khi điều đó không phù hợp với hoàn cảnh hay thời tiết khiến người lớn không cho phép. Sự ngăn cản một cách vô điều kiện của ngừoi lớn sẽ khiến trẻ bướng bỉnh và chống đối, đôi khi trẻ chống lại bằng một số hành động ngỗ ngược. Việc này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí của trẻ.
==> Người lớn cần khuyến khích trẻ làm theo những yêu cầu của mình thay vì áp đặt trẻ làm theo, cần giải thích cho trẻ hiểu vì sao phải như vậy, bày tỏ thái độ tôn trọng trẻ cũng như tôn trọng những việc làm và khả năng của trẻ. Hơn nữa, khả năng hoạt động có chủ định của trẻ lên 3 không dài. Trẻ mau quên và dễ thay đổi suy nghĩ, do đó trong một số trường hợp trẻ bướng bỉnh, người lớn không nên nói chuyện với trẻ nhiều về vấn đề trẻ quan tâm, hãy hướng suy nghĩ và mục đích của trẻ vào điều khác – có thể gọi là “đánh lạc hướng” của trẻ.
Thứ tư: sự phát triển các hoạt động với đồ vật giúp trẻ có khả năng tự mình thực hiện một số “công việc” mà không cần sự giúp đỡ của người lớn. Trẻ đã có khả năng phục vụ bản thân trong một số trường hợp đơn giản. Nhiều ông bà, bà mẹ lo lắng trẻ chưa có khả năng tự chăm sóc bản thân, hay làm sai nên thường tự mình chăm sóc trẻ theo ý mình, thường làm thay trẻ thay vì khuyến khích trẻ thực hiện theo ý mình.
==> Người lớn cần tạo cho trẻ cơ hội để trẻ tự phục vụ. “Tin tưởng” vào khả năng và việc thử sai của trẻ. Quan tâm hướng dẫn trẻ kịp thời để tránh hình thành những thói quen xấu. Chẳng hạn như, việc tập cho trẻ cầm đũa, nhiều người thường lo lắng trẻ cầm vậy nhọn khi ăn thì nguy hiểm nên thường chỉ cho trẻ tập dùng muỗng khi ăn. Trong khi đó, người lớn thường dùng đũa của mình gắp thức ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, có trẻ được tập dùng đũa từ sớm nhưng lại không được hướng dẫn ngay từ đầu sau này hình thánh thói quen cầm đủ 5 ngón chạm đũa.
Tạo nhiều cơ hội cho trẻ hoạt động là điều tốt nhất chúng ta có thể làm để giúp trẻ phát triển. Theo chuyên gia giáo dục, điều quan trọng nhất mà bố mẹ có thể làm để giúp bé sớm vượt qua được giai đoạn này là tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi thật nhiều.
8. MỘT SỐ CÁCH GIÚP TRẺ CÁC MẸ CÓ THỂ THAM KHẢO:
– Nếu ý muốn của trẻ là đúng đắn thì cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ được thực hiện ý muốn của mình, khuyến khích trẻ thực hiện và giúp đỡ trẻ khi trẻ cần.
– Hình thành tính độc lập tích cực cho trẻ bằng việc cho trẻ thực hiện một số thao tác tự chăm sóc bản thân trẻ.
– Nếu trẻ có những đòi hỏi quá đáng thì cần tỏ thái độ nghiêm khắc và tuyệt đối không chiều theo ý trẻ.
– Nếu trẻ ăn vạ thì nên lờ đi chỗ khác hoặc đánh lạc hướng trẻ bằng cách thu hút trẻ tham gia các hoạt động khác.
– Khi cần xử phạt thì không nên đánh, mắng vì như thế sẽ làm cho cả cha mẹ và trẻ đều cảm thấy bị ức chế và có thể lần sau trẻ sẽ lại có những hành vi chống đối như thế. Những lần sau trẻ sẽ nghĩ, không sao đâu, sai ba mẹ đánh 1 cái là xong thôi.
– Có thể xử phạt bằng cách là không cho trẻ đi chơi hoặc không kể chuyện cho trẻ nghe.
– Hoạt động đóng vao trong giai đoạn này đối với trẻ vô cùng quang trong. Trẻ thích là người lớn, nhưng vốn kinh nghiệm sống chưa đủ để trẻ “ làm người lớn” thật sự. Chỉ có thể cho trẻ vui chơi bằng các trò chơi đóng vai. Vì lúc này trẻ muốn được khẳng định mình, muốn trở thành người lớn nên có thể cho trẻ nhập vào những vai mà trẻ thích như: làm cô giáo, bác sĩ…
Có thể cùng chơi với trẻ bằng các trò chơi:
– Mẹ chăm sóc em, trẻ muốn thay tả cho em bé thì mẹ có thể cho trẻ chăm sóc búp bê, thay tả cho búp bê…
– Bé trai muốn giúp bố rửa xe thì có thể cho bé chơi làm ngừoi bảo trì xe, bố rửa xe bố, trẻ rửa xe đồ chơi của trẻ…
– Xem trẻ như người lớn, hãy cho trẻ được giúp mẹ một số việc như: lấy rổ rá cho mẹ, giúp mẹ nhặt rau, lau bàn, lấy nước cho mẹ… trẻ sẽ rất thích thú khi thực hiện.
– Đừng tiếc lời khen ngợi khi trẻ ngoan hoặc biết làm cái này cái kia giúp bố mẹ để lần sau trẻ sẽ tiếp tục cố gắng.
– Cư xử nhẹ nhàng, kiên nhẫn với trẻ trong mọi trường hợp.
– Nếu đã cho trẻ thực hiện mà trẻ làm sai, hãy hướng dẫn trẻ theo nguyên tắc 3 lần
· Lần 1: làm mẫu
· Lần 2: làm mẫu và cùng làm
· Lần 3: làm với sự quan sát của mẹ
– Nên cho trẻ mở rộng các hoạt động giao tiếp bên ngoài với bạn bè cùng lứa. Nên cho trẻ đến trường để trẻ có thêm bạn bè, học thêm các kỹ năng mới và khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ tốt hơn.